Niềm đam mê khoa học đã ngấm vào máu tôi

Sau tràng pháo tay nồng nhiệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gần 4.000 người tại Trung tâm hội nghị quốc gia, GS Ngô Bảo Châu xúc động kể về cuộc sống vất vả thời thơ ấu, những buổi học trong căn phòng 8m2 của thầy và năm tháng nghiên cứu bổ đề tại Pháp, Mỹ.

Từ 18h30, cổng Trung tâm Hội nghị quốc gia đã chật kín khách mời... Đi cùng nhóm bạn khoa Toán ĐH Sư phạm Hà Nội, sinh viên Bùi Thị Hải Yến, tâm sự: "Mấy ngày nay chúng em mong chờ được đến lễ chào mừng, gặp trực tiếp GS Châu - niềm tự hào của sinh viên". Bác Ngô Thiêm, 80 tuổi, bác ruột của GS Ngô Bảo Châu cho biết: "Tôi rất xúc động khi có người cháu ngoan và thành danh như Châu. Cháu bây giờ không chỉ là niềm tự hào của gia đình nữa rồi".

Do số lượng khách vượt quá 4.000 người nên 19h15 phút cánh cửa phòng Khánh tiết, Trung tâm Hội nghị Quốc gia đóng lại. Rất nhiều người có giấy mời VIP, thậm chí một số họ hàng của GS Ngô Bảo Châu cũng phải đứng ngoài. Nhiều nữ sinh bật khóc vì không được gặp thần tượng. (xem clip)

Từ 19h các bạn trẻ đã xếp hàng đến dự lễ chào mừng. Ảnh: Quang Xuân.

Phát biểu tại lễ chào mừng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, giải thưởng Fields là niềm tự hào của GS Châu, gia đình, các thầy cô, của cả dân tộc Việt Nam, GS làm rạng danh đất nước Việt Nam. "Tôi xúc động khi biết trưa nay gia đình giáo sư đã đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh", người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cần có nhiều Ngô Bảo Châu, cần có một xã hội học tập, cơ chế trọng dụng nhân tài. "Niềm tự hào Ngô Bảo Châu cần được nhân lên mạnh mẽ. Tôi mong giới trẻ noi gương GS, dấn thân vào khoa học, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi. Tôi chúc giáo sư tiếp tục thành đạt và đóng góp vào nền Toán học Việt Nam và thế giới", Thủ tướng kết thúc bài phát biểu. Ông bước xuống ôm chặt GS Ngô Bảo Châu giữa những tràng pháo tay.

Tiếp đó các bạn học sinh trường THCS Trưng Vương, khối chuyên toán của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nơi GS Ngô Bảo Châu từng học đã phát biểu cảm xúc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Quang Xuân.

Những tràng pháo tay tiếp tục giòn giã khi màn hình chiếu đến hình ảnh GS Ngô Bảo Châu lên bục danh dự nhận giải thưởng Fields 2010 tại Hyderabad vừa qua. Xúc động trong vài giây, GS Ngô Bảo Châu mới nói được lời tâm sự tại buổi lễ.

"Tôi thực sự cảm động khi niềm vui, niềm tự hào của giải thưởng Fields đã được chia sẻ với đồng bào, bắt gặp niềm hân hoan, tự hào trong mắt bạn trẻ trong buổi lễ hôm nay. Nhưng trước khi nói về tương lai, chúng ta điểm về quá khứ, để xem những nhân tố nào đã đem đến thành công hôm nay", GS Châu bắt đầu.

Sinh ra và lớn lên vào lúc kinh tế khó khăn thời kỳ hậu chiến, Bảo Châu biết rằng, bố mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc lo cho anh ăn học. "Những năm gần đây sinh sống và làm việc ở Pháp, Mỹ, tôi đã hiểu rằng tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa có thể thiệt thòi về cái ăn, cái chơi nhưng về học tập thì chưa chắc. Với nhiều gia đình Việt Nam, chuyện học hành vẫn được coi là quan trọng nhất. Niềm đam mê khoa học đã ngấm vào máu tôi lúc nào không biết", anh nói.

Tuổi học trò của anh đã được cộng đồng Toán học Việt Nam nuôi dưỡng, các thầy đã dạy hoàn toàn vô tư trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn lúc ấy. "Khi ấy tôi đến học thầy Hùng khối chuyên toán trong căn phòng 8m2, lúc nào cũng tràn ngập mùi thuốc bắc vì thầy hay đau ốm. Thù lao của bố mẹ tôi với thầy đôi khi chỉ là cân đường, viên thuốc bổ", GS Châu kể.

GS Châu cho rằng, may mắn tiếp theo của anh là được học tập tại ĐH Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp, với người thầy là giáo sư Gerard Laumon. Sau đó, anh được Viện nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton, Mỹ, mời sang làm giáo sư. Viện này là nơi quy tụ của nhiều nhà toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó nhiều người từng đoạt giải Nobel và giải Fields.

"Nếu không có thời gian làm việc tại Princeton rất có thể bổ đề cơ bản chưa được hoàn thành vào thời điểm này", GS Châu thừa nhận.

Theo anh, nhiệm vụ của nhà khoa học không đơn thuần là chuyên môn mà bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi không kể xuất xứ, không nhất thiết là người thân, cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống.

"Đó là những điều tôi muốn nói với các nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm cha làm mẹ. Chúc các bạn trẻ giữ được niềm tin, niềm say mê để đi tiếp con đường mình đã chọn", anh nói.

Kết thúc lễ chào mừng, những người có mặt tại hội trường đã chen nhau xin chữ ký, chụp ảnh với vị GS đã làm rạng danh đất nước.

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong vòng vây của những người yêu mến anh. Ảnh: Tiến Dũng

Trước đó, trưa 19/8, giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong 4 người được trao giải thưởng Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới và trở thành nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam giảnh được giải thưởng này.

Sau khi nhận được giải thưởng, GS Châu chia sẻ: "Tôi cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trể niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường".

Ông cũng khẳng định, Quỹ Khuyến học Ngô Bảo Châu sẽ ra đời trong tương lai, có thể tiếp nhận mọi thiện nguyện từ các cá nhân và được dùng trọn vẹn cho việc khuyến học.

Share on facebook Share on twitter Share on google Share on zingme Share on linkedin